Đánh giá Lenovo ThinkPad L380. Laptop văn phòng phân khúc tầm trung xuất sắc

Lenovo ThinkPad L380 sở hữu những điểm mạnh của dòng laptop ThinkPad cao cấp, được bán ở mức giá phải chăng. Chiếc laptop có thiết kế vỏ ngoài có độ bền cao, bàn phím thoải mái và hiệu năng tốt so với mức giá. Giá như máy có chất lượng màn hình tốt hơn, thì Lenovo ThinkPad L380 có thể được coi là một trong những chiếc laptop 13 inch tốt nhất trong phân khúc giá.
Cấu hình máy review
CPU | Intel Core i5-8250U |
GPU | Intel UHD 620 |
RAM | 8GB |
Bộ nhớ | 256GB SSD |
Kích thước màn hình | 13.3-inch |
Độ phân giải | 1920×1080 |
Khối lượng | 1.46 kg |
Kích thước | 12.67″ x 8.83″ x .74″ |
Thiết kế
L380 sở hữu nét thiết kế điển hình của một chiếc laptop ThinkPad. Dù không mang nhiều điểm nổi bật, máy sở hữu một vẻ ngoài mang tính thực dụng cao, rất phù hợp với môi trường làm việc văn phòng chuyên nghiệp. L380 sở hữu vỏ ngoài được hoàn thiện màu đen than, được làm hoàn toàn bằng nhựa.

Phần nội thất của máy được trang bị bàn phím có bố cục truyền thống của hãng, với các nút được làm cong ở cạnh dưới. Ở chính giữa bộ bàn phím được trang bị núm rê chuột màu đỏ, đem lại điểm nhấn cho thiết kế màu đen của chiếc laptop.
Trên thân máy còn có các chi tiết màu đỏ khác, bao gồm các góc cạnh của nút click chuột trên touchpad. Được đặt ở bên phải chiếc touchpad là bảo mật vân tay một chạm, cho phép người dùng dễ dàng đăng nhập hệ thống bằng mã sinh trắc thông qua Windows Hello.
Thiết kế của chiếc L380 có vài điểm hạn chế, trong đó phải kể đến kích thước viền màn hình hơi dày, khiến cho vẻ ngoài của chiếc laptop trông hơi lỗi thời khi so sánh với các dòng laptop mới ra hiện nay.
Kích thước thân máy của chiếc L380 cho phép người dùng mang máy theo đi làm hoặc đi học một cách dễ dàng và thuận tiện. Với số đo 3 cạnh là 12.7 x 8.8 x .74 inch và nặng 1.46 kg, chiếc laptop có tính di động tương đối tốt. Dù máy có khối lượng nặng hơn so với một số dòng máy cạnh tranh cùng phân khúc, ví dụ như HP Spectre x360, chiếc L380 nhẹ hơn khi so sánh với Lenovo L380 Yoga (nặng 1.58 kg) và Dell Latitude 3390 2-in-1 (nặng 1.6 kg).
Cổng kết nối
L380 được trang bị tương đối nhiều cổng kết nối đối với một chiếc laptop 13 inch. Nằm ở bên trái thân máy là cổng xuất HDMI, 1 cổng USB 3.1 và 2 cổng USB 3.0 Type-C.
Bên phải thân máy được trang bị cổng nguồn, 1 giắc cắm tai nghe/microphone, 1 khe đọc thẻ nhớ microSD, 1 cổng USB 3.1, 1 cổng RJ-45 Gigabit Ethernet và khe lắp khóa an toàn.
Bảo mật và độ bền
Lenovo L380 đã trải qua 12 bài kiểm tra độ bền tiêu chuẩn quân đội. Điều này chứng tỏ chiếc laptop có khả năng chống chịu va đập mạnh, nhiệt độ môi trường khắc nghiệt, độ âm cao và nấm mốc.

Về mặt bảo mật, Lenovo trang bị cho chiếc L380 bảo mật vân tay một chạm trên thân máy, cho phép người dùng dễ dàng đăng nhập vào hệ thống thông qua Windows Hello. Máy còn được trang bị chip TPM 2.0, đem lại khả năng mã hóa các dữ liệu quan trọng của người dùng.
Màn hình
Lenovo ThinkPad L380 sở hữu một màn hình kích thước 13.3 inch, độ phân giải 1080p, có chất lượng hình ảnh tầm trung. Dù màn hình của máy có độ chi tiết và độ sáng tương đối tốt, màu sắc được thể hiện trên tấm nền lại không được sống động cho lắm.

Màn hình của chiếc laptop Lenovo có độ phủ màu 63% dải sRGB, thấp hơn nhiều so mức trung bình của phân khúc là 92 fps. Đối thủ cạnh tranh của máy là chiếc ThinkPad L380 Yoga có độ màu màu màn hình rộng hơn nhiều, với kết quả đo được là 124% dải sRGB.
Màn hình của máy có độ sáng tương đối cao, với chỉ số tối đa đo được là 274 nit, cao hơn so với mức trung bình của phân khúc là 231 nit. ThinkPad L380 Yoga sở hữu độ sáng màn hình rực rỡ hơn, đo được là 283 nit. Độ sáng màn hình cao hơn mức trung bình cộng với khả năng chống lóa khiến cho những nội dung trên màn hình được thể hiện tốt ngay cả khi bạn mang chiếc laptop ra ngoài trời sử dụng.
Bàn phím và touchpad
Bàn phím của L380 có chất lượng tương đương với các dòng laptop ThinkPad cao cấp nhất. Với hành trình phím có độ sau lý tưởng là 1.69 mm và lực ấn 70 gram, bàn phím của máy đem lại cho người dùng một trải nghiệm đánh máy thoải mái. Các nút sở hữu bề mặt mềm mại, có độ nảy tốt và cho phản hồi xúc giác chắc tay khi nhấn xuống.

Với kích thước 3.9 x 2.2 inch, touchpad của L380 có diện tích sử dụng hơi nhỏ so với phân khúc, nhưng vẫn có độ phản hồi tốt với mọi thao tác vuốt và chạm của người dùng, đem lại trải nghiệm điều hướng tương đối tốt.
Hiệu năng
Được trang bị chip Intel Core i5-8250, 8GB dung lượng RAM và ổ SSD 256GB, phiên bản laptop mà chúng tôi sử dụng để review có một hiệu năng xử lý khá ốt. Máy có thể mở đồng loạt 20 tab Chrome, với 3 trong số đó chạy video HD trên Youtube mà không gặp bất cứ tình trạng giật lag nào. Máy có hiện tượng chậm lại đôi chút khi tôi cố mở thêm vài tab trên trình duyệt web nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm sử dụng tổng thể.
ThinkPad L380 đạt số điểm khá cao khi chấm hiệu năng tổng thể bằng Geekbench 4.1, với kết quả đo được là 10,422 điểm. Điểm số này của máy cao hơn so với mức trung bình 10,094 điểm của dòng laptop cùng phân khúc và đánh bại cả hai đối thủ cạnh tranh là Lenovo ThinkPad L380 Yoga (9,766 điểm) và Dell Latitude 3392 (6,414 điểm).

Máy cũng làm tốt trong bài kiểm tra tốc độ chép dữ liệu của chúng tôi. Ổ SSD của máy có thể copy 1 tệp tin nặng 4.97GB trong vòng 29 giây, tương đương với tốc độ là 175.5 MBps, nhanh hơn so với mức trung bình phân khúc laptop tầm trung (143.9 MBps).
L380 phải chật vật đôi chút trong bài kiểm tra tốc độ chuyển mã video. Máy phải mất 31 phút 12 giây để chuyển đổi một video 4K sang độ phân giải 1080, chậm hơn so với mức trung bình 26 phút 21 giây của dòng laptop cùng phân khúc. Các đối thủ cạnh tranh của máy bao gồm ThinkPad L380 Yoga và Dell Latitude 3392 hoàn thành bài kiểm tra nhanh hơn so với chiếc laptop Lenovo, có kết quả kiểm tra đo được lần lượt là 27 phút 12 giây và 28 phút 56 giây.
Được trang bị chip GPU Intel UHD 620, L380 không được sản xuất ra để chơi game. Dù vậy, máy vẫn có đủ hiệu năng xử lý để thực hiện các công việc hàng ngày liên quan đến đồ họa và chơi mượt các tựa game có cấu hình trung bình. Ví dụ như ở tựa game Dirt 3, máy đạt được mức khung hình 50 fps với độ phân giải màn hình là 1080p, vượt qua mức trung bình phân khúc là 45 fps.
Thời lượng pin
Lenovo ThinkPad L380 sở hữu một thời lượng pin ấn tượng. Trong bài kiểm tra thời lượng pin của chúng tôi, máy có thể trụ được 8 giờ 16 phút sau khi lướt web liên tục bằng mạng wifi, với độ sáng màn hình để ở mức 150 nit. Kết quả thời lượng pin này dài hơn nhiều khi so sánh với mức trung bình phân khúc (7 giờ 38 phút), trong đó bao gồm chiếc Latitude 3392 2-in-1 (6 giờ 34 phút).

Nhiệt độ
Lenovo ThinkPad L380 giữ được mức nhiệt hệ thống tốt sau khi chúng tôi để máy chạy 1 video HD trong vòng 15 phút. Touchpad của máy lúc này có mức nhiệt đo được là 24 độ C, trong khi vị trí nằm giữa 2 nút G và H có mức nhiệt ổn định là 28 độ C. Gầm máy của chiếc laptop có mức nhiệt cao hơn một chút, đo được là 36 độ C, vượt quá ngưỡng nhiệt hoạt động lý tưởng của chúng tôi.
Phần mềm
Thật may là Lenovo không cài hàng tá các ứng dụng bloatware vào chiếc L380 như các hãng sản xuất cạnh tranh khác. Trên thực tế, máy chỉ có duy nhất một phần mềm được hãng cài sẵn có tên gọi là Vantage. Ứng dụng này cho phép người dùng kiểm tra các bản cập nhật hệ thống mới nhất, thay đổi cấu hình phần cứng và kiểm tra thông tin bảo hành của chiếc laptop. Phần mềm còn liệt kê các thông tin quan trọng của chiếc laptop, bao gồm kiểu model, số sê-ri và số sản phẩm.

Tổng kết
Dù sở hữu chất lượng màn hình không ấn tượng cho lắm, L380 vẫn là một trong những chiếc laptop văn phòng phân khúc tầm trung tốt bậc nhất trên thị trường. Máy sở hữu những điểm mạnh của dòng laptop ThinkPad, trong đó bao gồm thiết kế độ bền cao, bàn phím chất lượng và thời lượng pin dài. Dù không có những tính năng nổi trội, những gì mà L380 mang đến cho người dùng chính là sự tin cậy, hiệu năng xử lý công việc hiệu quả và nhanh chóng.
Nếu bạn cần một chiếc laptop cấu hình tương tự nhưng lại có khả năng chuyển linh hoạt 2 trong 1, hãy cân nhắc lựa chọn chiếc L380 Yoga. Đây là phiên bản laptop 2 trong 1 của dòng máy, có những điểm mạnh tương tự so với bản gốc cộng với một màn hình cảm ứng rực rỡ hơn.

Chào các bạn, mình là Việt Nguyễn. Mình có niềm đam mê đặc biệt về Công nghệ và Marketing Online. Mình đã có 7+ năm làm Marketing Online còn Công nghệ thì là sở thích của mình từ những năm tháng đi học Phổ thông. Beginer.com là nơi mình sẽ chia sẻ những những kiến thức của mình biết và quan điểm cá nhân của mình.