Đánh giá Microsoft Surface Pro 7. Liệu có đáng để nâng cấp?


Surface Pro 7 là chiếc laptop lai cao cấp của Microsoft. Phiên bản thứ bảy của dòng máy có thiết kế tương đồng với chiếc máy tiền nhiệm, với các cải tiến về mặt thiết kế và hiệu năng. Chiếc Surface Pro 7 là một trong những chiếc laptop 2 trong 1 tốt nhất thị trường nhờ vào những điểm mạnh nổi trội của máy, cụ thể là thiết kế cao cấp, màn hình tuyệt đỉnh và bàn phím rời thoải mái.
CPU | Intel Core i5-1035G4 |
GPU | Intel Iris Plus |
RAM | 8GB |
Bộ nhớ | SSD dung lượng 256GB |
Kích thước màn hình | 12.3 inch |
Độ phân giải | 2736 x 1824 |
Khối lượng | 0.77 kg (1.08 kg khi lắp bàn phím) |
Kích thước | 12.5 x 7.9 x 0.3 inch |
Surface Pro 7 được bán với cấu hình mặc định bao gồm chip Intel Core i3, RAM 4GB và ổ SSD dung lượng 128GB. Microsoft vẫn bán riêng bàn phím Type Cover và bút cảm ứng Surface Pen đối với dòng máy này.
Nếu có thể, chúng tôi khuyên bạn hãy mua phiên bản cấu hình chip Core i5, RAM 8GB, ổ SSD dung lượng 128GB để có hiệu năng tốt với giá thành không đắt hơn phiên bản mặc định là mấy.
Phiên bản Surface Pro 7 mà chúng tôi dùng để review được trang bị cấu hình chip Intel Core i5-1035G5, RAM 8GB và ổ SSD dung lượng 256GB.

Surface Pro 7 vẫn giữ nguyên ngôn ngữ thiết kế của dòng máy tiền nhiệm. Với thay đổi duy nhất là cổng USB Type mới được thêm vào cạnh máy, Surface Pro 7 vẫn có nét thẩm mỹ tối giản của Surface Pro 6. Được bán với 2 màu đen nhám và bạc, Surface Pro 7 có vỏ máy làm bằng hợp kim ma-giê siêu mỏng, với logo Microsoft sáng lóa được đặt ở phía sau chân đế.
Chân đế của máy có thể mở ra 165 độ, cho phép bạn dựng đứng chiếc máy, biến chiếc tablet thành chiếc laptop thông thường một cách dễ dàng. Chân đế máy có thể mở ra dễ dàng và rất cứng cáp, giúp màn hình máy được đặt vững trên mặt bàn.

Đây là giải pháp chuyển đổi chế độ đáng tin cậy, nhưng hy vọng rằng Microsoft có thể tạo ra cơ chế chuyển đổi thuận tiện hơn ở các phiên bản sau. Ở phiên bản hiện tại, máy chỉ có thể sử dụng chế độ laptop tối ưu nhất ở các bề mặt bằng phẳng. Màn hình máy có hiện tượng bị rung khi bạn sử dụng chiếc Surface Pro 7 ở trên đùi.
Với độ dày 0.3 inch và nặng 0.77 kg (1.08kg khi tính kèm bàn phím rời), chiếc Surface Pro 7 có kích thước tương tự như phiên bản tiền nhiệm nhưng lại lớn hơn chiếc iPad Pro 12.9 inch (dày 0.2 inch, nặng 0.63 kg).

Surface Pro 7 được trang bị các loại cổng kết nối tương tự như dòng máy trước. Máy có 1 cổng USB 3.1 Type-A và cổng nam châm Surface Connect (để sạc máy) và cổng USB Type C ở bên phải thân máy.
Ở bên trái thân máy là giắc cắm tai nghe 3.5 mm trong khi khe đọc thẻ nhớ microSD được đặt đằng sau chân đế.
Surface Pro 7 cho trải nghiệm xem phim tuyệt vời với màn hình kích thước 12.3 inch, độ phân giải 2736 x 1824 pixel, với khả năng cảm ứng PixelSense. Màn của máy không những có độ sắc nét cao, màu sắc sặc sỡ mà còn có độ sáng cao.

Những ai không có ý định mua thêm bàn phím hay bút cảm ứng cũng đừng quá lo bởi Surface Pro 7 có khả năng cảm ứng rất nhạy, với thời gian trễ gần như bằng không khi tôi sử dụng các thao tác vuốt và chạm của máy.
Dựa vào máy đo màu, màn hình Surface 7 Pro có độ phủ màu 102% dải sRGB, thấp hơn một chút so với mức trung bình 130% của laptop cao cấp. Các dòng máy đối thủ cũng có màn hình rực rỡ hơn, bao gồm chiếc iPad Pro 12.9 inch (128.4%) và Dell XPS 13 2-in-1 (113%).
Tuy không có màu sắc ấn tượng so với phân khúc, màn hình máy lại có độ sáng tuyệt vời với kết quả đo được là 395 nit, vượt mức trung bình 347 nit của dòng máy cùng phân khúc. Tuy vậy, khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh chính, độ sáng màn hình của Surface Pro 7 cũng không ăn thua, cụ thể là iPad Pro (484 nit) và XPS 13 2-in-1 (516 nit).
Cặp loa kép hướng trên của Surface Pro 7 có thể lấp đầy một phòng cỡ vừa với chất âm chi tiết, không bị bóp méo khi mở max volume. Các dải âm của loa được thể hiện hài hòa, không chồng chéo lên nhau, cho phép tôi nhận biết rõ ràng các nhạc cụ sử dụng trong các bài hát.

Surface Pro 7 vẫn được thừa hưởng bàn phím xuất sắc của dòng máy trước, bởi đây được coi là chiếc bàn phím rời tốt nhất trên thị trường. Các nút của bàn phím Type Cover có kích thước lớn, cách nhau vừa đủ và có hành trình sâu đến ngạc nhiên. Bàn phím còn có phiên bản cao cấp hơn mang tên Signature với khu vực kê tay được làm bằng chất liệu vải Alcantara mềm mại.
Touchpad của chiếc bàn phím rời có bề mặt kính cho cảm giác chạm trơn mượt, không bị rít tay khi sử dụng lâu dài. Với kích thước tiêu chuẩn 4 x 2.1 inch, touchpad xử lý nhanh và chính xác mọi thao tác vuốt và chạm của Windows 10.
Bút cảm ứng Surface Pen không được bán kèm khi mua máy. Nếu bạn là người thích viết nháp bằng bút hay thiết kế đồ họa, chúng tôi khuyên bạn bỏ thêm ít đầu tư thêm chiếc bút cảm ứng của Microsoft. Trong tất cả những bút stylus mà tôi từng dùng thử, chiếc Surface Pen thuộc vào hạng tốt nhất.

Surface Pen có nhiều tính năng hay, trong đó phải kể đến khả năng hỗ trợ 4,096 điểm áp lực, hỗ trợ viết nghiêng cho phép bạn đánh bóng khi vẽ, hệ thống nam châm bên trong cho phép bút được gắn chặt vào chiếc Surface Pro 7 khi bạn không dùng đến.
Bút stylus cho cảm giác cầm trên tay thoải mái và tôi không nhận thấy bất cứ hiện tượng lag trong quá trình sử dụng. Dù vậy, vẫn có một điểm cần được cải thiện đó là Surface Pen sử dụng pin AAAA không sạc được thay vì hỗ trợ khả năng sạc không dây như bút Apple Pencil.
Ngoài những thay đổi nhỏ về mặt thiết kế, chiếc Surface Pro 7 về mặt cơ bản là chiếc Surface Pro 6 với hiệu năng cải thiện nhờ con chip Intel Core thế hệ 10.

Phiên bản máy review của chúng tôi được trang bị chip Intel Core i5-1035G4 và 8GB RAM, mang lại hiệu năng xử lý đa nhiệm tốt. Bằng chứng là máy có thể hoạt động bình thường với hơn 20 tab Chrome được mở trong khi Windows Defender đang quét virus toàn hệ thống.
Chiếc Surface Pro 7 đạt số điểm ấn tượng là 17,225 trong bài kiểm tra hiệu năng tổng thể chấm bằng Geekbench 4.1, vượt qua mức trung bình của dòng máy cùng phân khúc. Dù vậy máy vẫn để thua các máy đối thủ cạnh tranh cụ thể là iPad Pro (17,995 điểm) và XPS 13 2-in-1 (18,684 điểm).
Ổ SSD dung lượng 256GB của chiếc Surface Pro 7 mất 19 giây để copy 1 tệp tin 4.97GB, tương đương với tốc độ 267.9 mbps, chỉ nhanh hơn một chút so với phiên bản trước. Kết quả này thấp hơn nhiều so với XPS 13 2-in-1 (463 mbps) và mức trung bình của dòng máy cùng phân khúc (500.4 mbps).
GPU liền Iris Plus của chip Intel Ice Lake hứa hẹn hiệu năng cải thiện so với chip thế hệ 8. Các bài kiểm tra của chúng tôi lại cho kết quả không như vậy.
Ở bài kiểm tra khả năng xử lý đồ họa thực tế, Surface Pro 7 chơi game Dirt 3 với mức khung hình trung bình là 36 fps, thấp hơn mức trung bình 61 fps cũng như mức khung hình 81 fps của phiên bản trước.
Surface Pro 7 có thời lượng pin không mấy ấn tượng khi máy chỉ trụ được 7 giờ 52 phút trong bài kiểm tra của chúng tôi (cụ thể là máy sẽ lướt web liên tục bằng mạng wifi ở độ sáng màn hình 150 nit). Kết quả này thấp hơn 1 giờ so với thời lượng pin của chiếc Surface Pro 6 (9 giờ 20 phút) và kém hơn mức trung bình 8 giờ 14 phút của dòng máy cùng phân khúc. Thời lượng pin của máy cũng không thể so sánh được so với 2 đối thủ cạnh tranh là iPad Pro (13:14) và XPS 13 2-in-1 (10:57).

Cuối cùng thì trên thị trường cũng có thiết bị chạy Windows 10 có webcam chất lượng cao. Chiếc Surface Pro 7 được trang bị cam trước 5MP cho hình ảnh sắc nét, màu sắc rực rỡ và gần như không có hiện tượng noise.
Camera 8MP ở phía sau có chất lượng hình ảnh không mấy ổn định. Camera có thể chụp lại chính xác màu tím của các bông hoa ngoài cửa sổ của tôi. Tuy nhiên, camera này lại gặp khó khăn trong việc chụp ảnh ở điều kiện thiếu sáng.
Microsoft không cài thêm các phần mềm của bên thứ ba nào vào trong sản phẩm Surface Pro của mình. Dù vậy, máy vẫn có những bloatware quen thuộc của Windows 10 bao gồm Heroes Saga, Microsoft Solitaire Collection và Netflix.

Chiếc máy lai của Microsoft vẫn là một trong những lựa chọn tốt nhất với những ai muốn một thiết bị có khả năng di động của một chiếc tablet và hiệu năng tiện lợi của một chiếc laptop. Tuy nhiên phiên bản Surface Pro 7 không mang lại nhiều cải tiến mới, khiến những ai đã sở hữu phiên bản thứ 6 của dòng máy không có nhiều lý do để nâng cấp.
Ở một vài góc độ, chiếc Surface Pro 7 còn thể hiện kém hơn phiên bản tiên nhiệm của mình, cụ thể là thời lượng pin thấp hơn 1.5 giờ, chất lượng màu sắc của màn hình cũng không tốt bằng. Dù vậy, xét về mặt tổng thể, chiếc Surface Pro 7 vẫn là chiếc máy đẳng cấp phân khúc.

Chào các bạn, mình là Việt Nguyễn. Mình có niềm đam mê đặc biệt về Công nghệ và Marketing Online. Mình đã có 7+ năm làm Marketing Online còn Công nghệ thì là sở thích của mình từ những năm tháng đi học Phổ thông. Beginer.com là nơi mình sẽ chia sẻ những những kiến thức của mình biết và quan điểm cá nhân của mình.