Đánh giá Razer Blade 15 Base Edition. Liệu có thực sự đáng mua?


Điều mà tôi không ngờ đến khi mở chiếc Razer Blade 15 Base Edition ra lần đầu tiên đó là máy có nhiều điểm mạnh và yếu lẫn lộn. Đây không phải là điều bạn muốn thấy ở một chiếc laptop gaming thuộc phân khúc cao cấp.
Ở một mặt, máy có hiệu năng xử lý đồ họa ấn tượng nhờ được trang bị card Nvidia GeForce RTX 3070, nhưng ở mặt khác, chip Intel Core i7-10750H của máy chỉ mang lại khả năng xử lý tầm trung khi so sánh với các đối thủ cùng phân khúc. Màn hình của máy có kích thước 15.6 inch, độ phân giải 1440p sở hữu màu sắc sống động, nhưng lại có độ sáng thấp hơn nhiều so với dòng laptop gaming cao cấp. Bàn phím của máy không đem lại trải nghiệm nhập liệu tốt dù máy sở hữu một chiếc touchpad chất lượng cao.
Razer Blade 15 Base Edition tuy không phải là chiếc máy thuộc danh sách Top laptop gaming tốt nhất, nhưng vẫn là một sản phẩm khá tốt nếu bạn là fan của Razer và không quá bận tâm đến những điểm hạn chế của máy.
CPU | Intel Core i7-10750H |
GPU | Nvidia GeForce RTX 3070 |
RAM | 16GB |
Bộ nhớ | 512GB SSD |
Kích thước màn hình | 15.6-inch |
Độ phân giải | 2560 x 1440 |
Khối lượng | 2.08 kg |
Kích thước | 14.0 x 9.3 x 0.8 inch |
Thiết kế bên ngoài của máy không có nhiều đổi mới so với phiên bản gốc. Razer Blade 15 Base Edition được trang bị vỏ máy nhôm màu đen tương tương tự như người tiền nhiệm, với logo Razer màu xanh lá đặt chính giữa.

Phần nội thất của máy cũng được trang bị thân máy được làm bằng nhôm, màu đen. Bàn phím của máy được đặt gọn gàng bên trên, được kẹp giữa bởi hệ thống loa kép hai bên và touchpad kích thước lớn bên dưới. Dù được trang bị webcam ở cạnh trên, viền bezel bọc quanh màn hình có kích thước mỏng đến kinh ngạc.
Với khối lượng 2.08 kg và kích thước 3 chiều là 14.0 x 9.3 x 0.8 inch, Razer Blade 15 có thân hình tương đối gọn nhẹ so với dòng laptop gaming cùng phân khúc. Máy nhẹ hơn khi so sánh với Alienware m15 R4 (nặng 2.26kg, 14.2 x 10.9 x 0.7~0.8 inch) và Gigabyte Aorus 15G (nặng 2.13 kg, 14.0 x 9.6 x 0.9 inch), nhưng lại nặng hơn một chút so với Asus TUF Dash F15 (nặng 2 kg, 14.2 x 10 x 0.8 inch).
Razer trang bị cho chiếc laptop của mình tương đối nhiều cổng kết nối với chủng loại đa dạng, tuy nhiên lại thiếu mất cổng Mini DisplayPort.

Bên trái thân máy được trang bị giắc nguồn, cổng Ethernet, 1 cổng USB Type-A, 1 cổng USB Type-C và giắc cắm tai nghe 3.5 mm. Trong khi đó, bên phải thân máy được trang bị khe lắp khóa an toàn, cổng xuất HDMI, 2 cổng USB Type-A và 1 cổng USB Type-C.
Razer Blade 15 Base Edition được trang bị màn hình kích thước 15.6 inch, độ phân giải 2560 x 1440-pixel, tần số quét 165Hz, đem lại chất lượng màu sắc sống động, tuy nhiên lại có độ sáng không quá ấn tượng.

Dựa vào kết quả của máy đo màu, màn hình máy phủ được 87.3% dải màu DCI-P3, thấp hơn một chút so với mức trung bình 90.7% của dòng laptop gaming cao cấp. Kết quả độ phủ màu của màn hình Razer cao hơn khi so sánh với Aorus 15G (76.7%) và Dash F15 (77.9%), tuy nhiên lại kém hơn chiếc Alienware m15 R4 (149.5%).
Tuy nhiên, với chỉ số độ sáng màn hình 271 nit, màn hình của Blade 15 có độ sáng thấp hơn nhiều so với mức trung bình 342 nit của dòng laptop gaming cao cấp. Một lần nữa, màn hình của Razer đánh bại 2 đối thủ cạnh tranh là Aorus 15G (259 nit) và Dash F15 (265 nit) nhưng lại để thua trước Alienware m15 R4 (362 nit).
Đây là một trong những điểm hạn chế của chiếc Razer Blade 15 Base Edition. Trải nghiệm đánh máy của chiếc laptop Razer không tốt chút nào, với các nút có hành trình nông, khiến tôi liên tục gặp tình trạng kẹt nút. Bố cục bàn phím không những chật chội, mà còn có độ phản hồi không chắc tay, đem lại trải nghiệm nhập liệu không thoải mái.

Bàn phím của máy chỉ hỗ trợ hệ thống đèn chiếu 1 khu vực, điều này nghĩa là bạn chỉ có thể thay đổi màu sắc của đồng loạt cả bàn phím, thay vì thay đổi cho từng nút như các đối thủ cạnh tranh khác.
Touchpad của máy có kích thước 5.1 x 3.1 inch, có bề mặt được làm bằng kính đem lại cảm giác mượt mà khi sử dụng. Touchpad máy có độ phản hồi xúc giác nhẹ nhưng lại phát ra âm thanh chắc tai khi nhấn xuống. Giá như bàn phím của máy có trải nghiệm sử dụng thoải mái như chiếc touchpad này thì Razer Blade 15 Base Edition sẽ trở nên tốt hơn rất nhiều.
Hệ thống loa ngoài của Razer Blade 15 đem lại các cảm giác trái chiều khi sử dụng. Loa của máy đem lại chất âm tốt khi bạn nghe nhạc, nhưng lại không phù hợp để sử dụng khi chơi game.
Khi nghe nhạc, các nhạc cụ được thể hiện trong bài hát được xướng lên rõ ràng, với giọng hát của ca sỹ trong trẻo và nhịp nhàng. Dải bass của máy có phần hơi mỏng, tuy nhiên các nhịp đánh của các nhạc cụ gõ vẫn thể hiện tốt trong bài hát.
Trải nghiệm âm thanh khi chơi game lại là một câu truyện khác. Ở tựa game Assassin’s Creed Valhalla, các hiệu ứng âm thanh trong game được loa máy thể hiện lại một cách thiếu cảm xúc, khiến mọi cử động của nhân vật trở nên yếu và thiếu sức ảnh hưởng.
Razer cài sẵn ứng dụng chỉnh âm THX Spatial Audio, bao gồm các tùy chọn âm thanh bao gồm Music, Cinema, Game, Voice và Custom. Bạn có thể điều chỉnh cấu hình của các tùy chọn thông qua hệ thống EQ. Chuyển qua từng tùy chọn đem lại ảnh hưởng lớn đến chất âm tổng thể, tuy nhiên khó có thể cải thiện được chất lượng âm thanh khi chơi game.
Ẩn hình bên dưới vỏ nhôm kiên cố là card Nvidia GeForce RTX 3070 (95W) với 8GB VRAM. Với cấu hình này, chiếc Razer Blade 15 Base Edition cho phép tôi chơi mượt mà với mức khung hình 51 fps ở tựa game Assassin’s Creed Valhalla (Ultra, 1440p).
Kiểm tra khả năng xử lý đồ họa của máy với tựa game Assassin’s Creed Odyssey benchmark (Ultra, 1080p), chiếc Razer Blade 15 đạt mức khung hình 64 fps, vừa đủ để đánh bại mức trung bình 62 fps của dòng laptop cùng phân khúc. Được trang bị cùng loại GPU, Razer Blade 15 có kết quả khung hình tốt hơn so với Aorus 15G (62 fps) và Dash F15 (51 fps), nhưng lại bị đánh bại trước Alienware m15 R4 (67 fps). Chơi tựa game này ở độ phân giải 1440p, Razer Blade đạt mức khung hình bình quân là 54 fps.
Razer Blade 15 đạt mức khung hình 78 fps ở tựa game Shadow of the Tomb Raider (Highest, 1080p), vượt qua mức trung bình 75 fps của dòng laptop gaming cao cấp. Máy có kết quả tương tự so với Aorus 15G (78 fps) và đánh bại Dash F15 (69 fps). Chuyển mức cấu hình sang độ phân giải 1440p, chiếc Blade 15 có mức khung hình 53 fps.
Ở tựa game Far Cry New Dawn (Ultra, 1080p), chiếc Blade 15 có mức khung hình 86 fps, thấp hơn một chút so với mức bình quân phân khúc là 88 fps. Máy có kết quả khung hình vượt trội khi so sánh với Dash F15 (70 fps), nhưng không thể theo kịp kết quả kiểm tra của Alienware m15 R4 (91 fps) và Aorus 15G (93 fps). Máy đạt mức khung hình 76 fps khi nâng độ phân giải lên 1440p.
Phiên bản Razer Blade 15 Base Edition mà tôi sử dụng được trang bị cấu hình chip Intel Core i7-10750H với 16GB RAM. Cấu hình này tuy không quá ấn tượng khi so sánh với các dòng máy cùng phân khúc, nhưng cũng đủ để cho phép chiếc laptop vận hành mượt mà khi tôi mở đồng loạt 40 tab Chrome, trong đó có 5 tab chạy video HD trên Youtube, trong khi Assassin’s Creed Valhalla được mở ở background.

Điểm số hiệu năng tổng thể khi chấm với Geekbench 5.3 lại kể nên một câu chuyện khác. Chiếc Blade đạt số điểm hiệu xuất đa nhân là 5,564, thấp hơn so với mức trung bình 7,029 điểm của dòng laptop cùng phân khúc. Máy có điểm số cao hơn khi so sánh với Dash F15 (chip Core i7-11375H, 5,166 điểm), nhưng lại bị đè bẹp bởi con chip Core i7-10870H được trang bị trong Alienware m15 R4 (7,636 điểm) và Aorus 15G (8,009 điểm).
Chiếc Blade 15 chuyển đổi một video 4K sang độ phân giải 1080p trong vòng 10 phút 57 giây bằng ứng dụng HandBrake. Thời gian hoàn thành này lâu hơn so với mức trung bình 8 phút 2 giây của phân khúc, cũng như khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh trong bài viết này, cụ thể là Alienware m15 R4 (7 phút 7 giây), Aorus 15G (8 phút 5 giây) và Dash F15 (10 phút 40 giây).
Ổ SSD dung lượng 512GB của máy có tốc độ thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của phân khúc cao cấp, có tốc độ chép dữ liệu đo được là 602 MBps. Kết quả này thấp hơn so với mức trung bình 843 MBps của dòng laptop gaming.
Thời lượng pin của dòng laptop gaming đang dần được cải thiện với những dòng máy mới được phát hành trên thị trường, tuy nhiên Razer Blade 15 dường như vẫn sống trong quá khứ ở mặt thời lượng pin của máy. Máy trụ được 4 giờ 36 phút trong bài kiểm tra thời lượng pin của chúng tôi, thấp hơn so với mức trung bình 4 giờ 44 phút của phân khúc. Alienware m15 R4 là chiếc laptop tắt nguồn đầu tiên sau 4 giờ 1 phút. Aorus 15G và Dash F15 là 2 chiếc laptop trụ được lâu hơn trong bài kiểm tra này so với chiếc Blade 15, với kết quả thời lượng pin đo được lần lượt là 4 giờ 48 phút và 6 giờ 53 phút.
Razer Blade 15 có thể đạt mức nhiệt hơi ấm tay khi được sử dụng ở cường độ cao. Sau khi chơi game trong vòng 15 phút, nhiệt độ ở gầm máy đạt ngưỡng 43 độ C, cao hơn so với ngưỡng nhiệt hoạt động thoải mái 35 độ C của laptop. Trung tâm bàn phím và touchpad có mức nhiệt tốt hơn, đo được lần lượt là 38 và 31 độ C. Nhiệt độ cao nhất đo được của chiếc laptop là 49 độ C, nằm ở vị trí gần khe thông khí ở gầm máy.
Máy có thân nhiệt khá mát khi không chơi game. Sau khi stream 1 video trong vòng 15 phút, nhiệt độ ở vị trí gầm máy đạt mức 35.5 độ C, trong khi bàn phím và touchpad có mức nhiệt lần lượt là 31 và 27 độ C.
Phần mềm duy nhất của hãng được cài sẵn trong chiếc Razer Blade 15 có tên gọi Razer Synapse. Thông qua ứng dụng này, bạn có thể tùy chỉnh chế độ hiệu năng, ánh sáng bàn phím và thiết lập chức năng cho các nút.

Razer Blade 15 Base Edition là một chiếc laptop gaming cao cấp, bị giằng xé bởi các điểm mạnh và điểm yếu. Máy sở hữu hiệu năng xử lý đồ họa ấn tượng, màn hình màu sắc sinh động và sắc nét, touchpad chất lượng cao. Tuy nhiên, bạn sẽ phải sống chung với tốc độ CPU tầm trung so với phân khúc, độ sáng màn hình không ấn tượng và bàn phím không thoải mái.
Nếu bạn sẵn sàng chi ra khoản tiền lớn để mua một chiếc laptop gaming, thì trên thị trường có nhiều lựa chọn tốt hơn, ví dụ như Alienware m15 R4.
Razer là một hãng sản xuất laptop gaming tốt, tuy nhiên phiên bản laptop này lại có chất lượng không đạt mức tiêu chuẩn của hãng. Tổng kết lại, Razer Blade 15 Base Edition là một chiếc laptop gaming khá tốt, tuy nhiên với cùng tầm tiền, bạn có thể sở hữu một dòng máy tốt hơn.

Chào các bạn, mình là Việt Nguyễn. Mình có niềm đam mê đặc biệt về Công nghệ và Marketing Online. Mình đã có 7+ năm làm Marketing Online còn Công nghệ thì là sở thích của mình từ những năm tháng đi học Phổ thông. Beginer.com là nơi mình sẽ chia sẻ những những kiến thức của mình biết và quan điểm cá nhân của mình.